Năm 2013, dự báo kim ngạch xuất khẩu của ngành nhựa sẽ có mức tăng trưởng trung bình từ 11-13,5% so với năm ngoái. Cùng với đó, ngành nhựa Việt Nam đang hướng tới trở thành ngành công nghiệp sản xuất những sản phẩm chất lượng cao, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, có tính cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường.
Hiệp hội nhựa Việt Nam (VPA) cho biết mặc dù xuất khẩu của nhiều ngành bị sụt giảm trong năm 2012 nhưng xuất khẩu của ngành nhựa vẫn tăng trưởng trên 42,2%, gần gấp rưỡi so với năm 2011, đạt 1,98 tỉ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa đạt gần 1,6 tỉ USD, tăng 17% so với năm 2011; kim ngạch xuất khẩu chất dẻo nguyên liệu đạt 397 triệu USD, tăng hơn 60,5% về lượng và 62,6% về kim ngạch.
Theo VPA, kim ngạch xuất khẩu nhựa nguyên liệu tăng cao cho thấy sự phát triển của lĩnh vực sản xuất nguyên liệu – mặt hàng có hàm lượng kỹ thuật cao nên giá trị gia tăng thu được cao hơn so với sản phẩm nhựa thuần túy. Đặc biệt, túi nhựa là sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu cao nhất, đạt hơn 456 triệu USD, chiếm tỷ trọng 28,9%. Điều này cho thấy, trong tương lai thế giới sẽ thay sản phẩm túi nhựa bằng các loại túi sinh học có khả năng tự phân hủy. Trước mắt, dự báo năm 2013 kim ngạch của sản phẩm này sẽ tăng trưởng hơn nữa do nhu cầu cao của các thị trường.
Cũng theo VPA, Nhật Bản, Mỹ, Đức là 3 thị trường chính của sản phẩm nhựa Việt Nam. Trong đó, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu nhiều nhất sản phẩm nhựa Việt Nam trong 5 năm gần đây. Đây là cũng thị trường mà kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất trong năm 2012, tăng 24% so với năm 2011, chiếm tỷ trọng 22,6%.
Trong quy hoạch đến năm 2020, ngành nhựa đã tính đến việc chuyển dịch cơ cấu nhóm sản phẩm nhựa theo hướng giảm tỷ trọng các nhóm sản phẩm nhựa bao bì và nhựa gia dụng, tăng dần tỷ trọng nhóm nhựa vật liệu xây dựng và kỹ thuật.